Binhduongvncity: Bản tin Bình Dương

Cầu gãy Sông Bé, dấu tích lịch sử vang dội của tỉnh Bình Dương

Cầu gãy Sông Bé, cây cầu bắc qua sông Đồng Nai giúp nối liền hai xã Phước Hòa và Vĩnh Hòa được biết đến là vật chứng cho những chiến công hào hùng của tỉnh Bình Dương. Không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn, cầu Sông Bé còn được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

Dấu tích lịch sử vang dội của cầu gãy Sông Bé

Theo những tài liệu lịch sử ghi chép, cầu Sông Bé vốn được thực dân Pháp xây dựng vào những năm 1925-1926 sau khi thành lập Sở cao su Phước Hòa. Mục đích xây cây cầu này là để nối liền tuyến đường huyết mạch lên các tỉnh thuộc Tây Nguyên. Bên cạnh đó còn để là phục vụ cho việc khai thác thuộc địa và đẩy mạnh sự phát triển cho các đồn điền cao su tại Phước Long và Phú Giáo.

Cầu gãy Sông Bé, dấu tích lịch sử vang dội của tỉnh Bình Dương 1

Vào năm 1930, khi phong trào đấu tranh của công nhân tại các đồn điền cao su phát triển mạnh, quân địch đã lấy cây cầu làm điểm hành quyết của những người tham gia cách mạng. Dù bị đàn áp nhưng quân và dân của tỉnh Bình Dương vẫn đấu tranh quyết liệt tới cùng. Cùng với đó, cây cầu Sông Bé lại được coi là cửa ngõ của chiến khu Đ.

Đến thời Mỹ - Ngụy, quân địch lại biến cầu Sông Bé thành con đường giao thông huyết mạch của chúng. Tuy nhiên tới ngày 28/04/1975, trước sự tấn công mạnh mẽ của lực lượng vũ trang huyện Phú Giáo, quân địch buộc phải bỏ chạy để chạy về Lai Khê. Tuy nhiên, tới chiều ngày 29/04/1975, quân địch lại phản công đánh về Phước Hòa để tìm cách tháo chạy. Trên đường chạy, chỉ huy của trung đội biệt kích ngụy đã cho đặt mìn nhằm phá hủy cầu Sông Bé. Nhưng không chống trả lại sự dũng cảm của quân và dân Phú Giáo, hơn 200 quân địch đã bị bắt giữ. Tới trưa ngày 30-4 năm đó, huyện Phú Giáo đã hoàn toàn được giải phóng nhờ sự đồng lòng của quân và dân ta.

Cầu gãy Sông Bé – di tích lịch sử cách mạng của tỉnh Bình Dương

Ngày nay, cầu gãy Sông Bé đã được tỉnh Bình Dương xây dựng lại thành cầu đôi và cho đổi tên thành cầu Phước Hòa. Nhưng để lưu lại những chiến tích hào hùng của quân và dân, lãnh đạo tỉnh đã quyết định giữ lại cây cầu gãy cũ. Cây cầu cũng là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Bình Dương, của những người yêu thích văn hóa lịch sử.

Cầu gãy Sông Bé, dấu tích lịch sử vang dội của tỉnh Bình Dương 2

Về kích thước, cầu gãy Sông Bé có chiều dài mỗi bên sau khi gãy khoảng 50m, khu vực cao nhất trên thành cầu là 6m, thấp nhất là 3,5m, chiều cao chân cầu là 30m. Để cho đời sau luôn ghi nhớ tới công ơn của quân dân cũng như ghi lại tội ác của Pháp và Mỹ, tỉnh Bình Dương đã cho dựng một bia tưởng niệm rộng tới 100m2 tại phía đầu cầu thuộc ấp Bưng Riềng, xã Vĩnh Hòa. Ở thời điểm hiện tại, cây cầu gãy Sông Bé đã trở thành nơi giáo dục về truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, cho lớp thế hệ đảng viên mới.

Qua những câu chuyện về chiến tích oanh liệt của cầu gãy Sông Bé, có thể thấy lịch sử của nơi đây đã trở thành lịch sử không thể nào quên của Phú Giáo và tỉnh Bình Dương cũng như của cả miền Nam.

Xem thêm: