Binhduongvncity: Bản tin Bình Dương

Dầu Tiếng: Chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi

Dịch tả heo châu Phi hiện đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên tại huyện Dầu Tiếng công tác phòng chống dịch bệnh diễn ra khá tốt, chính vì vậy cho đến nay chưa xuất hiện ổ dịch nào tại huyện.

Công tác phòng ngừa của cán bộ huyện

Ngay khi phát hiện dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh, cán bộ cùng nhân dân địa phương đã phối hợp với nhau thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó:

  • Lãnh đạo huyện yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền về dịch tả heo châu Phi để người chăn nuôi nhận thức đúng dịch bệnh;
  • Khi heo có triệu chứng bị bệnh, người dân phải nhanh chóng báo cáo ngay với chính quyền địa phương để xử lý kịp thời;
  • Thực hiện “5 không": Không giấu dịch – Không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết – Không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chêt – Không vứt heo ốm, chết ra ngoài môi trường – Không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho heo.

Không những làm tốt công tác phòng bệnh, các ban ngành, địa phương còn liên tục giám sát, kiểm tra dịch bệnh tại cơ sở; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phòng chống dịch tả heo châu Phi tại Dầu Tiếng

Quan trọng nhất của việc phòng bệnh đó chính là sự hợp tác của chính người chăn nuôi heo. Lãnh đạo huyện Dầu Tiếng đã tăng cường tuyên truyền các kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp với tình hình cụ thể của người chăn nuôi, đồng thời hướng dẫn họ các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng dịch, cách nuôi heo sạch khỏe...

Hiện nay, các địa phương của huyện Dầu Tiếng đã và đang nỗ lực phòng, chống bệnh. Ông Huỳnh Lê Khang, Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Dầu Tiếng, cho biết hiện 3 chốt kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật liên ngành tạm thời trên địa bàn các xã Long Tân, Long Hòa, Minh Thạnh hoạt động 24/24 giờ. Bên cạnh đó, các đội kiểm tra lưu động cũng được thành lập nhằm tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ heo không đúng quy định.

Ý thức phòng dịch của người chăn nuôi

Toàn huyện Dầu Tiếng hiện có khoảng 1.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với 10.400 con heo, tập trung nhiều ở các xã Định An, Thanh Tuyền và An lập. Trên địa bàn huyện còn có 112 trang trại chăn nuôi với khoảng 243.750 con heo, tập trung chủ yếu tại xã Minh Hòa, Long Tân và Long Hòa. Qua khảo sát thấy răng, hầu hết các hộ chăn nuôi heo dều có ý thức cao trong việc phòng ngừa dịch bệnh.

Điển hình là trang trại chăn nuôi heo Vĩnh Tân 5, 6 (xã Minh Thạnh) với hệ thống trang trại chăn nuôi khép kín trên 10.000 heo thịt. Muốn đi vào trong khu chăn nuôi, người đi vào phải đi qua 3 cửa. Tại các cửa đều có hệ thống khử trùng. Mỗi ngày, trang trại tiêu độc, khử trùng 1 lần, vệ sinh chuồng trại 2 lần. Người lạ tuyệt đối không được phép tiếp xúc với gia súc.

Phòng chống dịch tả heo châu Phi của người dân huyên Dầu Tiếng

Anh Thuận, hộ chăn nuôi heo tại huyện Dầu Tiếng chia sẻ: “Bên cạnh việc khử trùng, tiêu độc cho chuồng trại, chúng tôi còn bổ sung thường xuyên các loại rau xanh cùng khoáng chất nhằm mang đến cho heo nguồn dinh dưỡng đầy đủ, giúp heo có sức đề kháng tốt nhất để phòng bệnh”.

Nhờ vào sự nỗ lực phòng bệnh của cán bộ huyện cùng người chăn nuôi mà cho đến nay trên địa bàn huyện Dầu Tiếng chưa xuất hiện ổ heo dịch bệnh. Mặc dù vậy các chuyên gia khuyến cáo rằng người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đồng thời các cơ quan chức năng luôn tăng cường, kiểm tra, giám sát để phát hiện dịch bệnh và xử lý kịp thời.

Ông Huỳnh Lê Khang, Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Dầu Tiếng cho biết: Hiện dịch tả heo châu Phi chưa có thuốc điều trị cũng như vắc xin phòng ngừa. Do vậy cách phòng ngừa tốt nhất hiện nay đối với người chăn nuôi phải tăng cường khử trùng, tiêu độc; còn với cơ quan chức năng chính là tăng cường kiểm tra, giám sát khâu buôn bán, giết mổ và vận chuyển.