Binhduongvncity: Bản tin Bình Dương

Thoát nghèo nhờ rau sạch

Nghề trồng rau tưởng như bạc bẽo, lênh đênh ấy lại giúp gia đình anh Bùi Văn Toản (huyện Bàu Bàng) trở nên khá giả, cuộc sống ổn định hơn.

Đến với rau sạch như một cái duyên

Năm 2015 vợ chồng anh Toản từ tỉnh Phú Thọ vào Bình Dương lập nghiệp. Anh dùng hết của cải tích góp được bao lâu nay để mua 1000 m2 đất và xây căn nhà cấp 4 với hi vọng “an cư lập nghiệp”.

Ban đầu anh đi làm công ty, còn vợ anh buôn bán rau ngoài chợ. Công việc vất vả nhưng tiền bạc chỉ đủ sống qua ngày. Anh Toản bắt đầu suy nghĩ đến một hướng đi khác, mong rằng cuộc sống sẽ dư dả hơn bây giờ.

Thoát nghèo nhờ rau sạch

Một lần anh được Hội Nông dân xã tạo điều kiện để tham gia lớp tập huấn trồng rau sạch và tham quan mô hình rau sạch trong nhà lưới theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Như cơ duyên được định sẵn, anh cảm thấy yêu thích nghề này và bắt đầu tìm hiểu.

Anh đến các trang trại rau sạch để tìm hiểu, nghiên cứu cách trồng, kỹ thuật chăm sóc, đồng thời học hỏi qua internet. Dần dần anh nhận thấy việc trồng rau sạch không quá khó khăn, do vậy anh quyết định mượn tiền làm vốn để đầu tư cho rau sạch.

Giữa năm 2016, anh xây dựng trang trại nhà lưới, hệ thống tưới phun nước tự động, hệ thống mương nước quanh diện tích 900m2 đất của gia đình với kinh phí đầu tư hơn 60 triệu đồng. Cùng với đó, anh được một số trang trại rau sạch trên địa bàn hỗ trợ nguồn giống rau, địa điểm lấy các loại phân hữu cơ, phân ủ hoai. Sau nửa tháng xây dựng, trang trại của anh hoàn thành. Lứa rau đầu tiên, anh trồng cải xanh, mồng tơi, xà lách, rau muống, mướp, bầu… sau 15 ngày cho thu hoạch.

Theo anh Toản, trồng rau sạch tuy không khó nhưng có nhiều lưu ý cần phải biết như là: xử lý các khâu trong quá trình trồng, sử dụng phân bón thích hợp, khâu tưới nước cũng vô cùng quan trọng... Tất cả đều phải làm đúng quy trình nếu không sẽ không đem lại năng suất, rau trồng sẽ không chứa nhiều dinh dưỡng như vốn có.

Để bán được rau, vợ chồng anh thuê ki-ốt tại chợ Lai Uyên để chị Thủy bán vào mỗi buổi sáng, còn anh bỏ mối cho các chủ sạp tại khu vực chợ TX.Bến Cát; thời gian còn lại trong ngày anh chị chăm sóc vườn rau.

Anh Toản chia sẻ: “Cơ duyên tôi đến với nghề này một phần vì bản tính nông dân thích được tự tay mình trồng các loại rau, hoa màu để tự phục vụ cho gia đình. Tôi rất biết ơn Hội Nông dân xã Trừ Văn Thố đã giúp tôi có cơ hội được học tập và bén duyên với việc nghề trồng rau sạch theo hướng VietGAP”.

Nhờ rau sạch mà kinh tế ổn định

Chị Thủy (vợ anh Toản) cho hay: Trước đây chị bán rau ở chợ Lai Uyên nhưng mua bán khá khó khăn. Nhưng từ khi biết gia đình chị trồng và bán rau sạch, người dân chuyển sang mua rất nhiều. Mỗi sáng chị bán hết sạch rau trong khoảng 2 tiếng đồng hồ. Chị thổ lộ cảm thấy rất vui vì rau mình trồng ra được nhiều người ủng hộ.

Nhờ rau sạch mà kinh tế ổn định

Để bảo đảm các tiêu chí về rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa qua anh đã được Hội Nông dân địa phương hỗ trợ vay vốn sửa chữa lại hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới phun sương cho rau sạch, với số tiền 80 triệu đồng. Hiện nay, với 900m2 đất trồng rau, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày gia đình anh Toản có lãi từ 600.000- 800.000 đồng, góp phần ổn định cuộc sống gia đình.

Vốn là người lương thiện, thật thà, khi kinh tế gia đình ổn định anh Toản bắt đầu hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hộ dân trên địa bàn trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều này hứa hẹn rằng tại Bình Dương sắp có nhiều trang trại rau sạch, là nguồn cung cấp rau sạch cho các tỉnh miền Nam.

Nhờ vào sự cần cù, chịu khó và ham học hỏi, vừa qua trong 4 hộ trồng rau an toàn của xã có hộ của anh Bùi Văn Toản được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững cấp giấy chứng nhận rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

>>> Xem thêm: