Binhduongvncity: Bản tin Bình Dương

Xuất hiện thủ đoạn cướp mới: Giả danh lừa đảo qua điện thoại

Thời gian gần đây, nhiều người dân đã nhận được điện thoại tự xưng là nhân viên của ngân hàng thông báo nhận tiền về tài khoản, yêu cầu chủ tài khoản xác thực thông tin hay giả danh công an nhằm đe dọa lừa đảo để chiếm tài sản. Đây là một chiêu lừa đảo mới và người dân cần hết sức cẩn trọng khi nhận thông báo kiểu này.

Giả danh nhân viên Bưu chính viễn thông và Công an

Theo tài liệu điều tra, vào trưa ngày 2/8, bà T. (53 tuổi, ngụ phường 11, TP Cao Lãnh) đã nhận được cuộc gọi của một phụ nữ xưng tên Quỳnh, làm việc tại Bưu chính viễn thông bưu cục Đà Nẵng. Người này thông báo, bà T. có gửi bưu kiện cho ông Trần Văn Quang ở nước ngoài nhưng bưu kiện này không gửi được.

Xuất hiện thủ đoạn cướp mới: Giả danh lừa đảo qua điện thoại 1

Ảnh minh họa

Sau đó khoảng 15 phút, bà T. lại tiếp tục nhận được điện thoại của một người khác tự xưng là Đại úy Phạm Tuấn Anh, cán bộ điều tra Công an TP Đà Nẵng. Người này đe doạ, bưu kiện bà T. gửi có nhiều thẻ ngân hàng, bên trong chứa số tiền lớn liên quan đến hoạt động tội phạm và kẻ này yêu cầu bà T. thống kê các tài khoản, mang tiền chuyển vào số tài khoản có tên Trần Mạnh Hùng, mở tại chi nhánh Thủ Dầu Một (Bình Dương) để kiểm tra. Đại úy công an “dỏm” trấn an nạn nhân, nếu xác minh số tiền của bà T. không liên quan đến chuyên án đang theo thì sẽ hoàn trả lại.

Tưởng thật, bà T. chuyển 1,2 tỷ đồng vào tài khoản nói trên. Sau đó, biết mình trúng chiêu lừa của bọn ác nên bà T. trình báo cơ quan chức năng. Nhận được trình báo của bà, Công an tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương, Công an tỉnh Đồng Nai phá vụ án băng nhóm chuyên giả danh Công an, Viện kiểm sát để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Giả danh nhân viên ngân hàng Vietcombank

Hay một trường hợp khác. Chị Nguyễn Thị T (P.Phú Hòa, Tp.Thủ Dầu Một) cho biết, vào chiều ngày 18/8/2019 chị nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 09497860xx, thông báo tài khoản của chị tại ngân hàng Vietcombank nhận được một khoản tiền chuyển tới, nhưng bị treo không về tài khoản được. Do vậy, người gọi (tự xưng là Huệ - nhân viên của ngân hàng) gọi điện để xác thực chủ tài khoản trước khi trả khoản tiền đó cho chị.

Khi trao đổi, nhân viên tên Huệ nói rõ tên, số tài khoản là 15545314x tại ngân hàng Vietcombank nên chị không hề nghi ngờ gì hết. Hơn nữa, chị T làm hoạt động kinh doanh online nên việc nhận hay chuyển tiền về tài khoản ngân hàng là chuyện hiển nhiên. Vì vậy, chị đã cung cấp rất nhiều thông tin như số thẻ, ngày hết hạn, số CVV in trên thẻ… để xác thực chủ tài khoản với bạn nhân viên trên nhưng không hề biết mình đã bị mắc lừa.

Xuất hiện thủ đoạn cướp mới: Giả danh lừa đảo qua điện thoại 2

Ảnh minh họa

Thế rồi điều xấu nhất cũng đã tới. Trong lúc còn đang loay hoay với suy nghĩ đơn hàng của khách hàng nào chuyển thì chị T nhận được tin nhắn là tài khoản vừa bị trừ 100 triệu đồng, thay vì được nhận 16,4 triệu đồng như lời người nhân viên nói trên. Lúc này chị mới vỡ lẽ mình đã rơi vào trò lừa đảo và ngay lập tức gọi điện thoại lên tổng đài ngân hàng Vietcombank để phản ánh và yêu cầu khóa thẻ nhưng đã quá muộn.

Trên chỉ la 2 trong số rất nhiều các trường hợp bị lừa đảo trắng trợn đang diễn ra ở tỉnh Bình Dương nói riêng và trên cả nước nói chung. Trước tình trạng này, mỗi người dân đều phải nêu cao tinh thần cảnh giác trong mọi trường hợp và ứng phó thông minh với tất cả các chiêu trò của bọn lừa đảo.

Xem thêm: